Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Tết của trẻ con thời bao cấp

Chắc hẳn, với nhiều người, Tết của những năm trong thời kỳ bao cấp là những kỉ niệm khó quên trong đời. Những ngày giáp Tết, ở thời điểm mà đất nước vừa qua cơn khói lửa, hòa bình lập lại ở hai miền, thật tuyệt vời với lũ trẻ chúng tôi dạo đó.
Pháo là thứ được trẻ em trông chờ mỗi khi Tết đến Xuân về.
Khi bố mẹ lật tờ lịch, tự nhủ tháng Chạp đến rồi, cũng là lúc, lũ trẻ con sắp sửa kết thúc kỳ thi cuối năm. Đứa nào đứa đấy chăm chỉ hơn, quyết tâm hơn, bởi những lời hứa của cha mẹ, đứa thì được cha mẹ cho về quê ăn Tết, đứa thì hứa được may hẳn một bộ quần áo mới chứ không phải là năm nay quần năm sau mới đến áo. Biết làm sao được, lúc đó ngay việc duy trì bữa ăn tươm tất đã là gánh nặng hẳn lên vai cha mẹ. Trẻ con là vậy, hồn nhiên và vui tươi, chỉ biết hãnh diện với bạn bè khi được khoác manh áo mới, chứ đâu biết đến những vất vả của mẹ cha.

Trẻ con thời bao cấp thì lại càng hồn nhiên theo đúng nghĩa của từ. Sau ngày ông Công ông Táo, không khí Tết đã tràn ngập từ thành thị cho đến thôn quê. Nhiều gia đình hối hả chuẩn bị về quê ăn Tết. Đứa nào không được về quê ăn Tết thì ấm ức lắm. Bởi lẽ, về quê là chẳng phải làm gì, chỉ việc vui chơi cho thỏa thích. Ông bà thì mừng vui, cả năm con cháu mới về một lần, sao nỡ bắt cháu nhỏ phải lao động chân tay. Về quê là được nay sang nhà ông bác ăn một bữa, mai bà dì lại đón lên chơi đùa. Để rồi khi lên đến thành phố, lại có nhiều chuyện hay kể cho lũ bạn, hả hê khi chúng nó mắt tròn mắt dẹt ra y như nghe chuyện cổ tích.

Quà tết thời bao cấp.
Không được về quê ăn Tết, nhưng có quà Tết ông bà gửi lên, thế là cũng đủ hạnh phúc cả một cái Tết. Có khi chỉ là một bao tải lạc, một bao khoai. Lại đòi bố mẹ luộn lên, rồi tụ tập lũ bạn sang nhà ăn uống, lấy nước lọc giả làm rượu, chén chú chén anh… như người lớn. Cũng chúc nhau sang năm phát tài trong khi chả biết là gì nữa, chúc nhau sang năm có cháu bế mặc dù mũi vẫn còn thò lò hai bên. Tuyệt nhiên chẳng đứa nào chúc nhau học giỏi cả. Có gì đâu, thời ấy, học hành cũng chẳng có nhiều áp lực, cho nên đứa nào chăm chỉ sáng dạ là bật lên ngay, vậy thì chúc nhau chi cho mệt. Trẻ con mà, còn nhiều điều đáng để quan tâm hơn chứ.

Qua ngày hăm ba là coi như đến Tết. Mặc cho cha mẹ phát sốt lên để sao cho gia đình có một cái Tết đàng hoàng, trẻ con vẫn mải mê chơi đùa. Chỉ cần một bánh pháo tép, dài chừng mười phân, một que hương cầm ở tay, hứng chí lên là cầm một quả rồi châm hương đốt. Cho dù tiếng pháo nổ nhỏ còn kém một tiếng vỉ đập ruồi, thế nhưng, cũng đã đủ làm vui cả một góc sân.

Những ngày gần Tết, trẻ con hỏi cha mẹ xem áo mới đâu. Vậy nhưng, chúng cũng chỉ được ngắm, được ướm vào người. Phải sau đêm giao thừa, ngủ dậy chúng mới được mặc quần áo mới, để cùng cha mẹ đi chúc Tết. Gần đến những ngày Tết, trẻ con được cha mẹ dạy những câu chúc, đơn giản thôi nhưng đầy ý nghĩa. Gặp cụ già thì chúc sống lâu, gặp người vai trên thì chúc sức khỏe, gặp người bằng vai thì cha mẹ không dạy, bởi trẻ con có những câu chúc của riêng mình.

Độ hăm bảy, hăm tám Tết, lũ trẻ hồi hộp trông nồi bánh chưng. Hí hửng giành phần nhóm bếp, nhưng không có kinh nghiệm, nên chỉ được một lúc là tắt ngóm. Lũ trẻ có thể ngồi cả tối chỉ để ngửi mùi khói, chỉ để đếm thời gian sao cho nhanh đến lúc được ăn. Cũng phải thôi, cả năm mới được ăn bánh chưng một lần mà, sao không thèm cho được.

Chợ hoa tết thời bao cấp.
Vật nài xin cha mẹ cho thức cả đêm trông nồi, nhưng chả đứa nào thức được quá canh ba! Sao mà thức nổi cơ chứ, khi mà không có trò chơi điện tử, không có internet, để mà miệt mài thâu đêm. Và khi thức dậy, đã thấy những chiếc bánh chưng vuông vắn đã được xếp chặt để nén.


Buổi sáng hôm sau đó thật là tuyệt. Mẹ bóc cho chiếc bánh nhỏ, xắn làm bốn, chấm với nước mắm chưng mỡ để át đi mùi hôi. Thế là ăn ngấu nghiến, ăn xong vẫn thòm thèm như chưa từng được ăn. Chỉ đơn giản thế thôi, mà sau này, bao nhiêu cao lương mỹ vị cũng chẳng sánh bằng. Bởi đó là cảm giác của thời thơ ấu, khi mà tâm hồn vẫn chưa bị gợn bởi những toan tính với đời.

Sau bữa cỗ tất niên, trẻ con đua nhau đi hái lộc. Kể cũng lạ, ngày thường mà bẻ trộm cành, vặt trộm quả là bị mắng, thậm chí bị nhốt chờ cha mẹ sang đón về, thế mà đến ngày đó, các nhà có vườn thậm chí còn mở cửa để lũ trẻ thi nhau vào hái lộc. Đêm giao thừa, tất nhiên là trẻ con được thức muộn. Lại hò nhau tụ tập ở một nhà có sân rộng để cùng xem vô tuyến - thời ấy gọi vậy để phân biệt với hữu tuyến, còn hữu tuyến là gì thì chúng tôi cũng chẳng cần biết.

Sáng mồng Một thì thật là tuyệt. Đường phố treo cờ kết hoa, được rải một lớp xác pháo hồng, đẹp đến nao lòng. Sáng mồng Một cũng là lúc các của hàng bán đồ chơi mở đồng loạt để “ăn dỗ” trẻ con ngày Tết. Khổ, ngày đó thì có được mấy đồng đâu. Chỉ dám mua vài quả bóng, mà phải chọn màu thật rực rỡ, rồi phồng mang trợn má lên thổi để sau đó miệng đầy phẩm màu. Bóng bay thời bao cấp, như cũng thấu hiểu cảnh nghèo của trẻ con, rất ít khi nổ. Mà ngay cả khi nổ, xác của nó cũng được tận dụng. Trẻ con lại lấy mảnh vỡ cho vào đầu ngón tay, mút thành những quả bóng nhỏ, rồi đập cho nổ nghe rất vui tai. Hồi ấy, đứa nào có một chiếc tàu thủy sắt lên dây cót, hay một chiếc xe tăng nhựa, thì trong mắt bạn bè, đã là “giàu” lắm rồi.

Từ mồng Hai trở đi, thì trẻ con theo cha mẹ đi chúc Tết để nhận lì xì, đứa thì được về quê thăm ông bà họ hàng, Mà một trong hai việc, với trẻ con thời ấy, đều tuyệt vời như nhau. Không chỉ là việc gặt hái như ngôn ngữ thời ấy, mà chính là việc trẻ con được trân trọng, được hỏi han. Cả năm học hành chăm chỉ nhưng không vất vả, đứa nào đứa nấy được dịp hãnh diện khi khoe thành tích – thực chứ không đại trà như thời nay.

Tất nhiên, mỗi thời mỗi khác, nhưng với lứa trẻ em lớn lên trong thời bao cấp như chúng tôi, thì việc hoài niệm xuân xưa âu cũng là điều dễ hiểu.

Theo Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng | Gia đình Việt Nam (Theo Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng | Gia đình Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét