Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Cúng tổ tiên chiều 30 tết

Thường thì cứ chiều 30, anh em mình có đi đâu chơi thì cứ đi, thế nhưng phải có mặt đúng giờ ở nhà trước bữa cơm chiều để cúng tổ tiên.

Trước khi cúng thì gia đình mình cứ phải dọn dẹp bàn thờ cho sạch sẽ, trang hoàng lại nhà cửa một cách ngăn nắp từ trong nhà ra ngoài ngõ, rồi thì cứ phải nói là có cả một vườn hoa đang tỏa ngát hương thơm được bàn tay của Mẹ thu nhỏ lại như một phép màu.

Đến bây giờ mỗi khi nhớ lại mâm cỗ cúng, mình cứ thắc mắc là không biết sau này có kiếm được cô vợ đảm đang để tự tay chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên không nữa, chứ mình thì mình thấy mâm cỗ khá là thịnh soạn và đầy đủ. Mâm lễ cúng tất niên cuối năm của nhà mình gồm:

- Mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét).

- Cỗ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon tinh khiết, bày biện đầy đặn, trang nghiêm.

Thường thì cúng tổ tiên sẽ là người đàn ông trụ cột trong gia đình cúng trước, và chắc chắn sẽ là người Bố vĩ đại của mình rồi. Hồi nhỏ thì chưa biết Bố đọc cái gì trong giấy, sau rồi tìm hiểu thì mới thấy Bố đọc bài cúng, bài cúng phải đọc cho đúng và chuẩn nhé.

Văn khấn Lễ Tất niên chiều 30 Tết
Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)

- Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

- Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy ngài Kim niên Đương cai Thái Tuế chí đức tôn thần.

- Con kính lạy các ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương.

- Con kính lạy ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa tôn thần.

- Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ Thổ, Long mạch, Tài thần, Bản gia Táo quân, cùng tất cả các vị thần linh cai quản trong xứ này.

- Con kính lạy chư gia Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Tiên linh nội ngoại họ ................. (1)

Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp năm ...................... (2)

Tín chủ (chúng) con là: ...........................................

Ngụ tại: …………………….......................... ..................................................


Trước án kính cẩn thưa trình: Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới.

Chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh phẩm vật hương hoa, cơm canh thịnh soạn, sửa lễ tất niên, dâng cúng Thiên Địa tôn thần, phụng hiến Tổ tiên, truy niệm chư linh.

Theo như thường lệ tuế trừ cáo tế, cúi xin chư vị tôn thần, liệt vị gia tiên, bản xứ tiền hậu chư vị hương linh giáng lâm án toạ, phủ thuỳ chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ toàn gia lớn bé trẻ già bình an thịnh vượng, bách sự như ý, vạn sự tốt lành, luôn luôn mạnh khoẻ, gia đình hoà thuận.

Thành tâm bái thỉnh, cúi xin chư vị tôn thần và gia tiên nội ngoại chứng giám phù hộ độ trì.

Nam Mô A-di-đà Phật (3 lần, 3 lạy)

Tết của trẻ con thời bao cấp

Chắc hẳn, với nhiều người, Tết của những năm trong thời kỳ bao cấp là những kỉ niệm khó quên trong đời. Những ngày giáp Tết, ở thời điểm mà đất nước vừa qua cơn khói lửa, hòa bình lập lại ở hai miền, thật tuyệt vời với lũ trẻ chúng tôi dạo đó.
Pháo là thứ được trẻ em trông chờ mỗi khi Tết đến Xuân về.
Khi bố mẹ lật tờ lịch, tự nhủ tháng Chạp đến rồi, cũng là lúc, lũ trẻ con sắp sửa kết thúc kỳ thi cuối năm. Đứa nào đứa đấy chăm chỉ hơn, quyết tâm hơn, bởi những lời hứa của cha mẹ, đứa thì được cha mẹ cho về quê ăn Tết, đứa thì hứa được may hẳn một bộ quần áo mới chứ không phải là năm nay quần năm sau mới đến áo. Biết làm sao được, lúc đó ngay việc duy trì bữa ăn tươm tất đã là gánh nặng hẳn lên vai cha mẹ. Trẻ con là vậy, hồn nhiên và vui tươi, chỉ biết hãnh diện với bạn bè khi được khoác manh áo mới, chứ đâu biết đến những vất vả của mẹ cha.

Trẻ con thời bao cấp thì lại càng hồn nhiên theo đúng nghĩa của từ. Sau ngày ông Công ông Táo, không khí Tết đã tràn ngập từ thành thị cho đến thôn quê. Nhiều gia đình hối hả chuẩn bị về quê ăn Tết. Đứa nào không được về quê ăn Tết thì ấm ức lắm. Bởi lẽ, về quê là chẳng phải làm gì, chỉ việc vui chơi cho thỏa thích. Ông bà thì mừng vui, cả năm con cháu mới về một lần, sao nỡ bắt cháu nhỏ phải lao động chân tay. Về quê là được nay sang nhà ông bác ăn một bữa, mai bà dì lại đón lên chơi đùa. Để rồi khi lên đến thành phố, lại có nhiều chuyện hay kể cho lũ bạn, hả hê khi chúng nó mắt tròn mắt dẹt ra y như nghe chuyện cổ tích.

Quà tết thời bao cấp.
Không được về quê ăn Tết, nhưng có quà Tết ông bà gửi lên, thế là cũng đủ hạnh phúc cả một cái Tết. Có khi chỉ là một bao tải lạc, một bao khoai. Lại đòi bố mẹ luộn lên, rồi tụ tập lũ bạn sang nhà ăn uống, lấy nước lọc giả làm rượu, chén chú chén anh… như người lớn. Cũng chúc nhau sang năm phát tài trong khi chả biết là gì nữa, chúc nhau sang năm có cháu bế mặc dù mũi vẫn còn thò lò hai bên. Tuyệt nhiên chẳng đứa nào chúc nhau học giỏi cả. Có gì đâu, thời ấy, học hành cũng chẳng có nhiều áp lực, cho nên đứa nào chăm chỉ sáng dạ là bật lên ngay, vậy thì chúc nhau chi cho mệt. Trẻ con mà, còn nhiều điều đáng để quan tâm hơn chứ.

Qua ngày hăm ba là coi như đến Tết. Mặc cho cha mẹ phát sốt lên để sao cho gia đình có một cái Tết đàng hoàng, trẻ con vẫn mải mê chơi đùa. Chỉ cần một bánh pháo tép, dài chừng mười phân, một que hương cầm ở tay, hứng chí lên là cầm một quả rồi châm hương đốt. Cho dù tiếng pháo nổ nhỏ còn kém một tiếng vỉ đập ruồi, thế nhưng, cũng đã đủ làm vui cả một góc sân.

Những ngày gần Tết, trẻ con hỏi cha mẹ xem áo mới đâu. Vậy nhưng, chúng cũng chỉ được ngắm, được ướm vào người. Phải sau đêm giao thừa, ngủ dậy chúng mới được mặc quần áo mới, để cùng cha mẹ đi chúc Tết. Gần đến những ngày Tết, trẻ con được cha mẹ dạy những câu chúc, đơn giản thôi nhưng đầy ý nghĩa. Gặp cụ già thì chúc sống lâu, gặp người vai trên thì chúc sức khỏe, gặp người bằng vai thì cha mẹ không dạy, bởi trẻ con có những câu chúc của riêng mình.

Độ hăm bảy, hăm tám Tết, lũ trẻ hồi hộp trông nồi bánh chưng. Hí hửng giành phần nhóm bếp, nhưng không có kinh nghiệm, nên chỉ được một lúc là tắt ngóm. Lũ trẻ có thể ngồi cả tối chỉ để ngửi mùi khói, chỉ để đếm thời gian sao cho nhanh đến lúc được ăn. Cũng phải thôi, cả năm mới được ăn bánh chưng một lần mà, sao không thèm cho được.

Chợ hoa tết thời bao cấp.
Vật nài xin cha mẹ cho thức cả đêm trông nồi, nhưng chả đứa nào thức được quá canh ba! Sao mà thức nổi cơ chứ, khi mà không có trò chơi điện tử, không có internet, để mà miệt mài thâu đêm. Và khi thức dậy, đã thấy những chiếc bánh chưng vuông vắn đã được xếp chặt để nén.


Buổi sáng hôm sau đó thật là tuyệt. Mẹ bóc cho chiếc bánh nhỏ, xắn làm bốn, chấm với nước mắm chưng mỡ để át đi mùi hôi. Thế là ăn ngấu nghiến, ăn xong vẫn thòm thèm như chưa từng được ăn. Chỉ đơn giản thế thôi, mà sau này, bao nhiêu cao lương mỹ vị cũng chẳng sánh bằng. Bởi đó là cảm giác của thời thơ ấu, khi mà tâm hồn vẫn chưa bị gợn bởi những toan tính với đời.

Sau bữa cỗ tất niên, trẻ con đua nhau đi hái lộc. Kể cũng lạ, ngày thường mà bẻ trộm cành, vặt trộm quả là bị mắng, thậm chí bị nhốt chờ cha mẹ sang đón về, thế mà đến ngày đó, các nhà có vườn thậm chí còn mở cửa để lũ trẻ thi nhau vào hái lộc. Đêm giao thừa, tất nhiên là trẻ con được thức muộn. Lại hò nhau tụ tập ở một nhà có sân rộng để cùng xem vô tuyến - thời ấy gọi vậy để phân biệt với hữu tuyến, còn hữu tuyến là gì thì chúng tôi cũng chẳng cần biết.

Sáng mồng Một thì thật là tuyệt. Đường phố treo cờ kết hoa, được rải một lớp xác pháo hồng, đẹp đến nao lòng. Sáng mồng Một cũng là lúc các của hàng bán đồ chơi mở đồng loạt để “ăn dỗ” trẻ con ngày Tết. Khổ, ngày đó thì có được mấy đồng đâu. Chỉ dám mua vài quả bóng, mà phải chọn màu thật rực rỡ, rồi phồng mang trợn má lên thổi để sau đó miệng đầy phẩm màu. Bóng bay thời bao cấp, như cũng thấu hiểu cảnh nghèo của trẻ con, rất ít khi nổ. Mà ngay cả khi nổ, xác của nó cũng được tận dụng. Trẻ con lại lấy mảnh vỡ cho vào đầu ngón tay, mút thành những quả bóng nhỏ, rồi đập cho nổ nghe rất vui tai. Hồi ấy, đứa nào có một chiếc tàu thủy sắt lên dây cót, hay một chiếc xe tăng nhựa, thì trong mắt bạn bè, đã là “giàu” lắm rồi.

Từ mồng Hai trở đi, thì trẻ con theo cha mẹ đi chúc Tết để nhận lì xì, đứa thì được về quê thăm ông bà họ hàng, Mà một trong hai việc, với trẻ con thời ấy, đều tuyệt vời như nhau. Không chỉ là việc gặt hái như ngôn ngữ thời ấy, mà chính là việc trẻ con được trân trọng, được hỏi han. Cả năm học hành chăm chỉ nhưng không vất vả, đứa nào đứa nấy được dịp hãnh diện khi khoe thành tích – thực chứ không đại trà như thời nay.

Tất nhiên, mỗi thời mỗi khác, nhưng với lứa trẻ em lớn lên trong thời bao cấp như chúng tôi, thì việc hoài niệm xuân xưa âu cũng là điều dễ hiểu.

Theo Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng | Gia đình Việt Nam (Theo Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng | Gia đình Việt Nam)

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

Những phong tục ý nghĩa trong ngày tết cổ truyền Việt Nam

1. Tống cựu nghinh tân.
Thường thì cuối năm, gia đình mình thường sẽ dọn sạch sẽ nhà cửa, giặt chăn màn, quét dọn bàn thờ tổ tiên, mua sắm quần áo mới và thức ăn dự trữ cho ngày tết.
Nhiều gia đình thường dặn con cháu trong nhà từ lúc giao thừa trở đi thì không được xích mích hay to tiếng với nhau. Nếu hàng xóm có bất hòa, thì phải giải quyết trong năm cũ, tất cả mọi người dù lạ hay quen thì sau giờ phút giao thừa đều niềm nở, vui vẻ và chúc nhau mọi điều tốt lành.

2. Lễ rước vong linh ông bà.
Chiều 30 tháng Chạp, gia đình chúng ta thường chuẩn bị thức ăn, trái cây để dâng lên cúng ông bà tổ tiên. Đây cũng là lúc mà cả gia đình quây quần bên nhau để nhớ về ông bà tổ tiên, cùng ôn lại chuyện năm cũ và ước nguyện cho năm mới tốt lành.

3. Xông nhà
Nhớ là hồi xưa gia đình mình hay có tục xông nhà (hay nhiều người gọi là "xông đất"). Người đầu tiên bước chân vô nhà mình sẽ mang lại vận may hay xui cho gia đình mình cả năm. Tập tục này vẫn đang được duy trì, nhưng thường thì những ngày gần cuối năm mọi người thường tìm những người nào hợp tuổi và nhẹ vía để mời đến xông đất đầu năm. Những người nặng vía thì sẽ bị gia chủ đổ lỗi xui xẻo cả năm cho người đó. Cũng vì sự ngại ngùng này mà càng những dịp tết sau này, không khí tết càng ngày càng chán hơn. Mùng 1 tết đầu năm thì cứ phải đến buổi trưa mới có người đi chúc tết.

4. Hái lộc
Thường thì sau phút giao thừa, mọi người sẽ rủ nhau đi chùa hái lộc đầu năm, họ sẽ hái một cành lộc non và mang về nhà, bởi vì ai cũng hy vọng năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, may mắn và hạnh phúc.

5. Chúc thọ, chúc tết.
Nhớ lúc còn nhỏ, cứ đón giao thừa xong là mấy anh em mình lại chúc ông, bà, cha, mẹ đầu năm mới mạnh khỏe, và thế là được lì xì. Rồi thì cứ 3 ngày đầu năm thì người lớn lại chuẩn bị ít tiền mới để lì xì cho trẻ em hàng xóm. Thường thì mọi người luôn chúc nhau có sức khỏe, làm ăn phát đạt, chúc nhau tốt lành, và đặc biệt là kiêng mấy lời xui xẻo cả năm. Thiết nghĩ, đây là nét đẹp trong văn hóa của người Việt, vì khi đó con cháu lại bày tỏ lòng hiếu thảo, sự kính trọng, kính yêu đến ông, bà và cha mẹ.

Trong những ngày đầu năm mới, mọi người thường kéo nhau đến chúc mừng năm mới, chúc nhau những điều tốt lành. Đây cũng là dịp để những hờn giận năm cũ được xóa bỏ bằng những cái bắt tay. Những ly rượu nhẹ được mời nhau để hướng đến những điều tốt lành cho năm mới.

6. Lì xì.
Cứ đến tết là trẻ con đều ăn mặc quần áo đẹp, chúc người lớn những điều tốt lành. Và cha, mẹ lại phát lì xì cho con, cháu bằng những tấm thiệp đỏ, đồng thời cha mẹ dành lại những lời chúc như "mau ăn chóng lớn", "học giỏi", "mạnh khỏe"...

Phong tục là 1 nét đẹp của người Việt

7. Qùa tết, lễ tết.
Đi chúc Tết kèm theo những món quà, giỏ quà là điều vô cùng quý, đặc biệt là những ngày trước Tết. Bởi dù to hay nhỏ món quà ấy đều thể hiện mối ân tình, sự biết ơn và tôn kính.

Các cụ ngày xưa đã có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, vì vậy chúng ta không nên lạm dụng quà Tết, lễ Tết để thể hiện “cho được” tình cảm của mình với người thân, bạn bè, làng xóm… Tình cảm phải thực từ tâm, những lời chúc ý nghĩa, ly rượu thơm nồng chan chứa tình cảm, cái bắt tay hay vòng tay siết chặt… tất cả đều thể hiện nét đẹp văn hóa trong phong tục ngày Tết cổ truyền dân tộc..

8. Khai nghề
Cha mẹ thường hay nhắc anh em nhà mình là sau giao thừa nên "khai bút đầu xuân", thường thì đó là giờ đẹp để học sinh khai bút, Cũng giống như các ngành nghề, họ thường hay chọn giờ đẹp để khai nghề, nhằm giúp cho cả năm làm ăn phát đạt hơn.

9. Kiêng không đổ rác đi trong 3 ngày tết.
Tục này nguyên từ bên Tàu, trong “ Sưu thần kỳ” có chuyện người lái buôn tên là Ân Minh được thuỷ thần cho một con hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì giàu lên. Một hôm nhân ngày mồng Một tết, Ân Minh đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà Ân Minh lại nghèo đi. Kể từ đó kiêng không hốt rác ngày tết, ta bắt chước và đến nay vẫn nhiều người theo tục này.

10. Cúng giao thừa ngoài trời.
Dân tộc nào cũng coi phút giao thừa là thiêng liêng. Các cụ ta quan niệm: Mỗi năm Thiên Đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom thiên hạ dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có vị trí như quan toàn quyền. Và các cụ hình dung phút giao thừa là lúc bàn giao các quan quân quản hạ giới hết hạn kéo về trời và quan quân mới được cử thì ào ạt kéo xuống hạ giới tiếp quản thiên hạ.

Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả… ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới để mong các quan phù hộ cho một năm mới mọi sự tốt lành.

11.Mâm ngũ quả.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, trên bàn thờ của mọi gia đình người Việt đều bày mâm ngũ quả cúng gia tiên. Ngũ quả – thể hiện cho 5 vị Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, 5 yếu tố được cho là đã cấu thành nên vũ trũ trong quan niệm của Khổng giáo.

Ngoài ra, ngũ quả còn được xem như biểu tượng cho thành quả sau một năm lao động miệt mài của những người nông dân. Những sản vật kết tinh từ mồ hôi, công sức của những người dân lao động chắt chiu qua những vụ mùa. Để đến khi xuân sang nắng ấm, lựa dịp tốt lành mà thành kính dâng lên ông bà tổ tiên.